CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2019 - 2024

Kỹ năng - Nghiệp vụ Hướng dẫn sinh hoạt Chi đoàn tháng 11/2017

CHỦ ĐỀ: “Nhớ ơn thầy cô” - Kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017).

1. Tìm hiểu về: “Tình nghĩa thầy trò hôm nay”

Trong xã hội Việt Nam, người thầy có một vị trí rất đặc biệt, nghề dạy học được coi là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Sinh con và nuôi dưỡng con cái là công ơn trời bể của cha mẹ nhưng dạy đứa trẻ lớn lên để trở thành con người không chỉ biết chữ mà còn có phẩm cách tốt đẹp, gắn tình yêu thương trong gia đình với tình yêu nước là công lao to lớn của người thầy. Cho nên, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" của dân tộc ta đã có từ nghìn năm trước.

Người thầy xưa và người thầy hôm nay

Trong xã hội xưa, vị trí của người thầy giáo đứng sau nhà vua, đứng trước người cha, theo trật tự quân - sư - phụ. Những thầy giáo có học vấn và đạo đức cao là những người thầy được đông đảo học sinh đến xin học. Họ không những học chữ của thầy mà còn học đạo đức của thầy trong đời tư, học quan hệ tốt đẹp của thầy ở gia đình và ngoài xã hội. Khi học trò đến học thầy thì "Tiên học lễ, hậu học văn", nghĩa là trước hết phải trau dồi đạo đức và trên cơ sở đó phát triển trí tuệ và tài năng. Do đó, trong thời gian học, thầy chú ý dạy cho từ cách đi đứng, từ mỗi cử chỉ đến từng lời ăn tiếng nói. Học trò nào nhiều lần không theo được những lời răn dạy của thầy thì bị đuổi ra khỏi trường.

Khi học trò ra trường, thầy vẫn luôn dõi theo từng người và cũng luôn nghiêm khắc với đạo đức của học sinh mình. Cả với những người làm quan hoặc có vị trí cao trong xã hội, nếu có những hành vi mất đạo đức đều bị thầy tuyên bố không thừa nhận là học trò của thầy nữa. Ðây là một điều đáng sỉ nhục nhất cho những người học trò ấy, không có quyền cao chức trọng nào bù đắp nổi.

Trong thời đại ngày nay, tri thức đang đi vào trong mọi lĩnh vực của đời sống, mang ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng xã hội, mỗi con người. Ðối với Việt Nam, người trí thức đó không chỉ có kiến thức mà cần phải có đạo đức.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta thắng lợi chính vì phát huy được truyền thống dân tộc và lời dạy của Bác Hồ, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhà trường và các thầy cô giáo. Các thầy cô sống gian nan, vất vả mà vẫn ngày đêm ra sức soạn bài, đến trường dạy học, phát huy thêm lòng yêu nước của học sinh để lớp lớp thanh niên rời ghế nhà trường lên đường chiến đấu vô cùng dũng cảm.

Ngày nay, nhân dân ta đang đứng trước muôn vàn khó khăn, phải vượt qua những thử thách rất lớn để đưa đất nước trên con đường giàu mạnh thì vấn đề trí tuệ và đạo đức lại đặt ra thành một quốc sách hàng đầu. Trách nhiệm càng lớn lao đối với việc giảng dạy của thầy giáo và học tập của học sinh. Sự gắn bó giữa thầy trò là một điều kiện quan trọng bậc nhất để nâng cao nguyên khí quốc gia. Trách nhiệm, vinh dự và hạnh phúc của người thầy là đào tạo nhân tài cho đất nước. Tương lai thành đạt và vinh dự của mỗi học sinh phụ thuộc vào công ơn dạy dỗ của người thầy.

Tình cảm của học trò với thầy

Trong truyền thống xưa, tình cảm thầy trò thật tha thiết như cha con ruột thịt. Khi thầy còn sống thì học trò thường xuyên tới thăm hỏi sức khỏe thầy. Khi đỗ đạt, hoặc được thăng quan tiến chức đều về thăm và tạ ơn thầy. Lúc thầy qua đời thì toàn thể học trò về bên linh cữu khóc thương thầy, cùng gia đình tổ chức lễ tang. Các học trò cũng thắt khăn trắng để tang thầy trong một năm, không bao giờ quên ngày giỗ của thầy. Nhiều học trò cùng nhau góp tiền để xây dựng nhà thờ thầy, cùng mua một thửa ruộng gọi là ruộng môn sinh để hàng năm cúng giỗ thầy. Nếu học trò không về tận nhà thờ thầy cúng giỗ được thì lập bàn thờ ngay tại gia đình mình, mặc áo trắng, đội khăn trắng cúng thầy.

Khi thầy Chu Văn An treo ấn từ quan về ẩn cư ở Phượng Sơn, nhiều học trò vẫn thường xuyên đến thăm thầy, có người làm đến chức Hành khiển (tức Tể tướng) như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát... Mỗi lần đến thăm thầy, họ vẫn khép nép, thầy cho vào mới dám vào, được nói chuyện với thầy thì lấy làm vui mừng lắm.

Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là thầy dạy của nhiều người nổi tiếng như: Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ... Người thì theo nhà Mạc, người giúp nhà Lê Trung Hưng, nhưng họ đều kính trọng và vẫn thường xuyên lui tới Am Bạch Vân thăm viếng người thầy mà họ vô cùng tôn kính.

Truyền thống kính trọng và biết ơn ấy không chỉ dừng lại ở thời xưa mà còn truyền lại đến ngày nay ở những học trò có đạo đức không quên những người thầy giáo đã dành công sức, hết lòng dạy bảo mình. Ngày 20/11 là ngày để lớp lớp các thế hệ học trò Việt Nam thể hiện tình cảm quý mến, kính trọng với thầy giáo, cô giáo - những người đã dành nhiều công sức cho sự nghiệp trồng người và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Theo Tinhdoandaklak.gov.vn

 

2. Phong trào hành động

 a. Nội dung sinh hoạt

- Thông qua sinh hoạt chi đoàn giúp đoàn viên thanh niên hiểu được ý nghĩa các ngày lễ lớn, truyền thống đạo lý “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Đồng thời tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tình nguyện, xung kích trong đoàn viên thanh niên góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở Đoàn.

- Củng cố khối đoàn kết trong thanh niên, tham gia phát triển kinh tế xã hội, giải quyết tốt hơn các vấn đề của xã hội, hướng về địa bàn nông thôn. Xây dựng hình ảnh người thanh niên trong thời kỳ mới có lối sống lành mạnh, có đạo đức, văn hóa.

- Tổ chức sinh hoạt hiệu quả, sáng tạo, thu hút được đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh niên đến với tổ chức Đoàn, Hội.

 b. Hình thức tổ chức

- Phối hợp cùng với các Đoàn trường học tổ chức hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 thông qua các hoạt động: Về nguồn, tọa đàm, tuyên dương, diễn đàn, các hoạt động biểu diễn, hội thi văn nghệ, các giải bóng đá, bóng chuyền, cầu lông giao hữu, thực hiện các công trình, phần việc thanh niên, phong trào kế hoạch nhỏ...

- Tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung tri ân các thầy cô giáo, đồng thời phối hợp tổ chức thăm hỏi gia đình các thầy cô giáo có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và trong các phong trào hoạt động Đoàn, Hội, Đội.

- Phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hướng tới kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2017).

- Triển khai các hoạt động chào mừng ngày Nam kỳ khởi nghĩa (23/11/1940 – 23/11/2017) thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu gặp gỡ các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh nghe kể chuyện truyền thống; thăm viếng, tặng quà các gia đình thương binh liệt sĩ, gia đình chính sách, mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức các buổi diễn đàn thanh niên, tọa đàm, thi hái hoa dân chủ tìm hiểu về lịch sử truyền thống của của địa phương, đơn vị...

3. Sổ tay nghiệp vụ: Chi đoàn với nhiệm vụ xây dựng đội hình thanh niên

Xây dựng tổ chức Đoàn, mở rộng diện tập hợp và nâng cao tỷ lệ tập hợp thanh niên là nhiệm vụ của mọi cấp bộ Đoàn và cán bộ Đoàn các cấp. Đối với Chi đoàn thôn, buôn, tổ dân phố nhiệm vụ này lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì đây là cấp bộ trực tiếp nắm đoàn viên, hội viên thanh niên, truyền đạt và tổ chức thực hiện các nghị quyết, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, Hội đến với thanh niên và là nơi trực tiếp vận động, khơi dậy sức mạnh thanh niên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội tại địa phương, đơn vị.

3.1. Khái niệm

Đội hình thanh niên bao gồm chi hội, câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam thành lập, là nơi tập hợp và thu hút thanh niên tham gia thực hiện các chương trình hành động của Đoàn, cuộc vận động của Hội, các phong trào hành động, các công trình thanh niên nhằm thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương, đơn vị.

Thông qua hoạt động của các đội hình thanh niên, Đoàn tạo cơ hội để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, tạo môi trường, điều kiện để thanh niên rèn luyện, phát triển; phát huy mọi nguồn lực trong thanh niên cho hoạt động Đoàn và góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương; tạo được nguồn phát triển đoàn viên mới.

3.2. Những vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình xây dựng đội hình thanh niên

- Chi đoàn báo cáo với Chi ủy kế hoạch xây dựng đội hình thanh niên.

- Phân công đoàn viên, cán bộ Đoàn tham gia quá trình xây dựng và làm nòng cốt trong đội hình thanh niên.

- Việc xây dựng đội hình thanh niên được tiến hành trên cơ sở giải quyết nhu cầu chính đáng, hợp pháp của thanh niên, đồng thời đáp ứng nhiệm vụ chính trị, yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đơn vị.

3.3. Xây dựng đội hình thanh niên theo quy trình 4 bước

Bước 1: Khảo sát

- Nội dung của việc khảo sát là nhằm nắm được tình hình thanh niên và tình hình của địa phương, đơn vị:

+ Nắm được số lượng thanh niên hiện có trên địa bàn, phân tích được số đã có việc làm ổn định, số đang cần việc làm, cần học nghề; số thanh niên thường trú, tạm trú (nhập cư) đã tạm trú từ 6 tháng trở lên; đánh giá xu hướng chọn nghề của thanh niên…

+ Qua kết quả khảo sát, đánh giá nhu cầu của thanh niên trên địa bàn, xác định nhóm đối tượng ưu tiên để đầu tư cho công tác mở rộng diện tập hợp thanh niên trên các mặt: đối tượng tập hợp (thanh niên trên địa bàn dân cư, thanh niên lao động tự do, thanh niên tôn giáo, dân tộc, thanh niên lao động ngoài quốc doanh, trí thức…); tỷ lệ công tác tập hợp thanh niên trong các đối tượng; những khó khăn, thuận lợi trong công tác tập hợp thanh niên đối với từng đối tượng.

- Đối tượng khảo sát: Thanh niên từ 15 đến 35 tuổi tại địa phương, đơn vị; tình hình khu địa phương, đơn vị.

- Lực lượng khảo sát: Tập thể đoàn viên theo sự phân công của Chi đoàn.

- Phương thức khảo sát:

+ Phân công đoàn viên phụ trách khảo sát theo thôn, buôn, tổ dân phố, đơn vị (khảo sát bằng phiếu hoặc gặp gỡ trực tiếp).

+ Nắm thêm tình hình thanh niên thông qua sự giúp đỡ của Công an khu vực, của Ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố.

+ Thông qua đánh giá nhận định của Chi ủy, của Ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố.

Bước 2: Xây dựng Kế hoạch thành lập đội hình thanh niên

- Nội dung kế hoạch gồm:

+ Xác định thời gian thực hiện kế hoạch (nên từ 6 tháng đến 1 năm).

+ Xác định mục tiêu cụ thể, rõ ràng: Tập hợp bao nhiêu thanh niên vào đội hình thanh niên? Xây dựng bao nhiêu đội hình tập hợp thanh niên và là những đội hình nào? (công tác xã hội, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, ngành nghề, thanh niên xung kích, dân quân tự vệ...).

+ Xác định những hoạt động, phong trào phù hợp với việc đáp ứng nhu cầu của từng thành phần thanh niên, phù hợp với từng nhóm tuổi đồng thời đó cũng là những hoạt động, phong trào phát huy được sở trường, năng khiếu, năng lực của thanh niên cho việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội mà địa phương nơi đó quan tâm.

+ Xác định những tiềm lực nào của địa phương, đơn vị được đưa vào kế hoạch để giúp thực hiện mục tiêu đề ra.

+ Xác định tiến độ thực hiện và phân công công việc cụ thể, phù hợp với năng lực của từng đoàn viên.

- Người chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch là Bí thư hoặc Phó Bí thư Chi đoàn.

- Các yêu cầu khi xây dựng kế hoạch:

+ Căn cứ vào kết quả khảo sát để xây dựng kế hoạch.

+ Có sự góp ý của toàn thể đoàn viên để kế hoạch được hoàn chỉnh, khả thi.

+ Cần tranh thủ ý kiến và sự chỉ đạo của Chi ủy và Ban tự quản thôn, buôn, tổ dân phố.

Bước 3: Tổ chức thực hiện

- Tổ chức hoặc liên kết với các Chi đoàn bạn tổ chức các hoạt động phong trào theo kế hoạch đề ra.

- Phân công đoàn viên vận động, mời gọi thanh niên tham gia hoạt động.

- Phát huy mọi nguồn lực trong khu phố, trong xã hội cho công tác tập hợp thanh niên, xây dựng câu lạc bộ, đội, nhóm theo kế hoạch đề ra.

- Tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cho thanh niên tìm hiểu về Điều lệ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

Bước 4: Tổ chức ra mắt đội hình thanh niên

- Bí thư hoặc Phó Bí thư Chi đoàn hoàn chỉnh thủ tục đề nghị Ủy ban Hội Liên hiệp Thanh niên xã, phường, thị trấn (hoặc huyện, thị xã, thành phố) ra quyết định công nhận đội hình thanh niên mới.

- Chi đoàn tổ chức lễ ra mắt đội hình thanh niên mới theo đúng quy định của hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội. Chú ý chọn thời điểm, địa điểm phù hợp để tổ chức lễ ra mắt.

3.4. Vai trò nòng cốt của người đoàn viên trong đội hình thanh niên

Đối với quá trình xây dựng đội hình thanh niên cũng như thời gian đầu sau khi đội hình thanh niên được thành lập, vai trò nòng cốt của người đoàn viên là hết sức quan trọng trong việc định hướng, duy trì hoạt động của đội hình thanh niên. Có thể khái quát vai trò đó bằng khẩu hiệu “4 biết”:

- Biết góp ý, định hướng chính trị cho nội dung hoạt động của đội hình thanh niên mà mình đang sinh hoạt.

- Biết đi đầu thực hiện và vận động ít nhất 1 thanh niên tham gia các hoạt động của đội hình thanh niên.

- Biết phát hiện, phát huy và phát triển nhân tố mới cho Hội, cho Đoàn (phát triển thanh niên vào Hội, phát triển hội viên vào Đoàn).

- Biết khai thác các nguồn lực trong xã hội cho hoạt động của đội hình thanh niên mà mình đang sinh hoạt.

3.5. Những điều Chi đoàn cần tránh trong công tác tập hợp thanh niên, xây dựng đội hình thanh niên

- Không nắm được tình hình thanh niên nơi muốn tiếp cận, xây dựng Hội.

- Không xây dựng kế hoạch cụ thể.

- Làm một mình; không biết phát huy mọi nguồn lực trong tổ chức, ngoài xã hội và của chính thanh niên.

- Tập hợp thanh niên theo kiểu “đánh trống ghi tên” mà không thông qua các chương trình hoạt động của Đoàn, Hội.

- Nói không đi với việc làm.

4. Kỹ năng nghiệp vụ

Trò chơi “Giao lưu 3 miền”: Ở mỗi miền có một cách gọi khác nhau nên đây là trò chơi giúp cho các miền được gần lại với nhau, cũng là cách cho người chơi hiểu hơn về các miền.

- Cách hô như sau: “Ở quê tôi, cái … gọi là cái …”

- Hai đội hô cho đến khi bất phân thắng bại thì thôi

Ví dụ: Ở quê tôi cái muỗng gọi là cái môi

           Ở quê tôi con heo gọi là con lợn

Chú ý là cách gọi địa phương chứ không phải giọng nói địa phương như “hà nội” gọi là “hà lội” là không chấp nhận.

Trò chơi “Tin mật”: Rèn luyện khả năng nhớ

- Vật dụng: 1 cây bút (viết) + mảnh giấy trắng

- Số lượng: Mỗi nhóm 10 người, chia nhiều đội

- Ban tổ chức: 1 người, soạn sẵn những nội dung thông tin vào mảnh giấy (không quá 5 dòng)

- Địa điểm: Trong phòng hoặc ngoài sân

- Cách chơi: Tất cả các đội xếp hàng dọc, người quản trò cho người đứng đầu hàng đọc nội dung của bản thông tin (tất cả cùng chung 1 bản). Người thứ nhất truyền tin cho người thứ hai bằng cách (nói nhỏ vào tai) – cứ thế người trước truyền tin cho người sau – người cuối cùng nhận tin và ghi vào giấy và trao cho quản trò. Đội nào có nội dung bản tin giống bản tin gốc nhất là đội chiến thắng.

BAN BIÊN TẬP

Số người online: 99

Lượt truy cập: 1476503

Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk

Địa chỉ: 66 Nguyễn Tất Thành, Tp. Buôn Ma Thuột

Điện thoại: 02623.855574 - 

Fax:

Email: hoilienhiepthanhniendaklak@gmail.com