Anh Nguyễn Thái Dương người thầy, người bạn của thanh thiếu niên khuyết tật
Cuộc sống quanh ta có rất nhiều tấm gương sáng để chúng ta học tập và noi theo và đặc biệt hơn nữa đó là những người giáo viên đã tận tùy từng ngày, phấn đấu không biết mệt mỏi dạy cho các em học sinh khuyêt tật. Hôm nay, tôi muốn nhắc đến một người thầy, cũng như là một người bạn của các em học sinh bị khiếm thị, khiếm thính, down qua từng nốt nhạc, từng khúc ca đó là thầy giáo Nguyễn Thái Dương hiện đang công tác tại Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk. Thầy cũng là Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tất tỉnh trực thuộc Ủy ban Hội LHTN Việt Nam.
Thầy Nguyễn Thái Dương sinh năm 1979 tại Quảng Ninh, khi sinh ra thầy là 1 đứa trẻ bình thường như những đứa trẻ khác, năm lên 2 tuổi sau một cơn sốt bại liệt thầy đã bị liệt chân bên phải. Và rồi sau đó khi lớn lên với suy nghĩ của một đứa trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường thầy luôn sống trong mặc cảm và những rào cản định kiến xã hội nhìn nhận chưa công bằng với những người khuyết tật. Nhưng không vì thế mà thầy lùi bước, thầy đã cố gắng vượt qua cùng với năng khiếu âm nhạc của mình, năm 2003 thầy đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ Thuật.
Sau khi ra trường với sự đồng cảm, sẻ chia và muốn giúp đỡ cho các em học sinh khuyết tật thầy đã xin về công tác tại Trường Hi Vọng nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Trẻ khuyết tật tỉnh Đắk Lắk, dạy nhạc cho các em học sinh khiếm thị, khiếm thính, down, tự kỉ, thiểu năng trí tuệ.
Có một lần thầy đã tâm sự rằng: “Khi công tác tại trường mới thấy mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều những mảnh đời khác. Những em khiếm thị luôn sống nặng nội tâm và ao ước được nhìn thấy ánh mặt trời, các em khiếm thính mơ ước được nghe tiếng nói của cha mẹ, các em thiểu năng trí tuệ, down và tự kỉ thì như vô tri vô giác chỉ có 1 điều đôi mắt các em rất hiền nhưng vô cảm. Đối với các em khiếm thị, khiếm thính tôi thấy thương các em nhiều vì các em là những con người có cảm xúc. Nhưng với các em tự kỉ, down và thiểu năng trí tuệ tôi cảm thấy thương cha mẹ các em nhiều hơn do nỗi đau này sẽ đi theo cha mẹ các cháu đến suốt cuộc đời vì khuyết tật của các cháu không thể chữa khỏi.”
Sau 16 năm công tác và giảng dạy, thầy đã dành hết tuổi thanh xuân của mình để giúp đỡ các em học sinh khuyết tật qua những bản nhạc làm cho các em thư giãn, xoa dịu để cho các em không lên các cơn tăng động, tự làm đau mình và có cảm giác bình an không sợ hãi. Bên cạnh đó Thầy cũng giúp đỡ cho nhiều thanh niên khiếm thị có việc làm qua trung tâm xoa bóp người mù do hội viên của CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh thành lập.
Với những nổ lực không ngừng, thầy đã được chọn là 1 trong 48 gương giáo viên tiêu biểu trong toàn quốc tham gia Chương trình tuyên dương “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2018 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục, Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tri ân sự cống hiến của các thầy, cô đối với những mảnh đời bất hạnh, không được trọn vẹn trong cuộc sống..
Vũ Nam
Tin đã đưa
Số người online: 90
Lượt truy cập: 1476471