CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HỘI LIÊN HIỆP THANH NIÊN VIỆT NAM TỈNH ĐẮK LẮK LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2019 - 2024

Chủ quyền biển đảo Nhiều hình thức linh hoạt trong giáo dục quốc phòng - an ninh cho ngư dân, nhân dân tại Quảng Bình

Mở rộng đối tượng, chú trọng giáo dục cho ngư dân, nhân dân vùng biên giới; phối hợp chặt chẽ các lực lượng; vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp… là cách làm hiệu quả mà Hội đồng giáo dục Quốc phòng - An ninh (GDQP-AN) tỉnh Quảng Bình triển khai trong những năm qua. ​

LLVT thành phố Đồng Hới tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cho bà con ngư dân xã Bảo Ninh. Ảnh: Ngọc Thăng

Vào ngày biển động, các thành viên Hội đồng GDQP-AN thành phố Đồng Hới phối hợp với cán bộ, chiến sĩ cơ quan quân sự thành phố, Đồn Biên phòng Nhật Lệ về xã Bảo Ninh, để phổ biến, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước… cho bà con ngư dân. Trên tay các thành viên là những cuốn cẩm nang, tài liệu hỏi-đáp về Luật Biển Việt Nam, Luật Nghĩa vụ quân sự, xây dựng khu vực phòng thủ, trách nhiệm của công dân tham gia bảo vệ Tổ quốc… Họ đến từng nhà dân, lên từng tàu giải thích ngắn gọn những nội dung cơ bản cho bà con hiểu. Cũng trong thời gian đó, trên hệ thống phát thanh địa phương tuyên truyền những bản tin liên quan đến chiến lược biển, đảo và đường lối, chủ trương của Đảng về QP-AN…

Thượng tá Đinh Xuân Hướng, Chính trị viên Ban CHQS thành phố Đồng Hới chia sẻ: “Theo chỉ đạo của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, đối tượng GDQP-AN không chỉ là 5 nhóm, mà mở rộng cả nông dân, ngư dân, chủ nhà trọ, người lao động và các chức sắc, chức việc tôn giáo. Riêng với bà con ngư dân thường xuyên đi biển, chúng tôi phải lựa chọn thời điểm biển động, trăng sáng ngư dân không đi biển để tuyên truyền kiến thức pháp luật, QP-AN cho bà con mới đạt kết quả cao nhất. Phương pháp, hình thức cũng rất linh hoạt, không nhất thiết cứ phải tập trung theo lớp học, mà vận dụng các hình thức tuyên truyền, giáo dục sao cho đơn giản nhất nhưng mang lại hiệu quả cao nhất”.

Đây cũng là cách làm mà các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch vận dụng để trang bị kiến thức QP-AN cho ngư dân. Thực tế cho thấy, thời gian của ngư dân phần lớn hoạt động trên biển, nên Hội đồng GDQP-AN các địa phương ven biển ở Quảng Bình đã tổ chức soạn thảo nội dung cơ bản cần tuyên truyền, phát tận tay cho các chủ tàu để giáo dục chấp hành pháp luật và các quy định an ninh, an toàn tại địa phương; hoặc tranh thủ thời gian bà con tạm nghỉ ra khơi để tuyên truyền, giáo dục thông qua hệ thống truyền thanh địa phương những nội dung cốt lõi cần tuyên truyền.

Với các huyện có đường biên giới như Minh Hóa, Lệ Thủy…, Hội đồng GDQP-AN các cấp lựa chọn nội dung thích hợp, tập trung tuyên truyền nhiệm vụ bảo vệ cột mốc biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân, bản làng biên giới vững mạnh; phòng, chống buôn lậu qua biên giới và trách nhiệm vun đắp truyền thống đoàn kết, hữu nghị với nước bạn Lào… Biện pháp chủ yếu được vận dụng là lồng ghép tuyên truyền thông qua tổ chức các lễ hội truyền thống; mở các lớp nhỏ, lẻ tại nhà già làng, trưởng bản để tranh thủ tiếng nói của người có uy tín trong khu dân cư; đến từng hộ gia đình gặp gỡ, định hướng, tuyên truyền để vừa nắm bắt thực tế đời sống của nhân dân, vừa tạo sự gần gũi, gắn bó giúp bà con tin tưởng chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương.

Đại tá Lê Hồng Văn, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình tâm sự: “Đặc thù địa phương có cả tuyến biển và hơn 200 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, nên việc chú trọng GDQP-AN cho đối tượng ngư dân và đồng bào vùng biên giới hết sức cần thiết. Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng GDQP-AN tỉnh, Bộ CHQS Quảng Bình luôn phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành liên quan tăng cường công tác GDQP-AN nâng cao nhận thức về quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, tinh thần cảnh giác cách mạng cho bà con ngư dân và vùng biên giới. Trong quá trình triển khai, tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN, căn cứ vào từng đối tượng học viên, Ban tổ chức các lớp học và đội ngũ giáo viên lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp và biên soạn nội dung sao cho ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, nhất là các đối tượng như già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số… và nội dung giáo dục phải gắn sát với đặc điểm địa phương và phương pháp phải phù hợp, cụ thể”.

Bằng những biện pháp, hình thức linh hoạt, thiết thực, sát với từng đối tượng trong công tác GDQP-AN, Hội đồng GDQP-AN Quảng Bình đã giúp đồng bào ngày càng hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang và nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân./.

Theo tinhdoandaklak.gov.vn

Số người online: 489

Lượt truy cập: 1343330

Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk

Địa chỉ: 66 Nguyễn Tất Thành, Tp. Buôn Ma Thuột

Điện thoại: 02623.855574 - 

Fax:

Email: hoilienhiepthanhniendaklak@gmail.com